Nguyên nhân chính Nổi_dậy_ở_Đá_Vách

Sưu thuế cao

Ngay từ khi lên ngôi, vua Gia Long đã ký ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này, làm cho "dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi.[5] Hậu quả là: "dân phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng".[6]

Cai trị bằng bạo lực

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, được người dân ở Đá Vách nhiệt liệt tham gia. Theo Vũ Man tạp lục thư của Nguyễn Tấn (một võ quan triều Tự Đức),[7] thì lúc đó: sáu đạo binh của chúa Nguyễn bị bãi bỏ, dân biên giới tự lo phòng thủ, chọn người tài giỏi trong bọn thổ hào, thổ mục đặt lên để điều khiển họ. Chính vì vậy, ngay khi lên ngôi, Gia Long đã áp đặt chế độ trấn quan, cho lập đồn binh ở các nguồn, để dễ bề dập tắt các cuộc nổi dậy nhằm khôi phục.

Bên cạnh đó, quan lại được triều đình cử đến, nhiều người không thực sự có tài cai trị và biết yêu thương dân. Đơn cử như:

Dạo ấy, có viên Phó Quản cơ là Lê Quốc Huy đối xử với người Man rất hà khắc, Duyệt liền bắt Quốc Huy, hài tội rồi tâu xin chém...[8]

Còn võ quan Nguyễn Tấn thì cho biết kế sách của mình khi đến quản vùng Đá Vách như sau:

Đánh thuế chứ đừng cho chúng tích trữ vật thực, bởi vì nếu tích trữ được lương thực thì chúng dễ bề làm phản…Nếu bọn chúng còn ngoan cố không chịu nạp thuế thì ta phái quân lên gặt hết lúa của chúng mà ăn, lần thứ hai nếu còn không chịu nạp thì đánh.[9]

Tệ nhũng nhiễu, tham lam của quan lại và địa chủ

Trong sách Việt Nam thế kỷ 19 (1802-1884), GS. Nguyễn Phan Quang cho biết:

Mỗi lần đi kinh lý, các trấn quan mặc sức cướp thóc gạo, gia súc, lâm sản, kể cả phụ nữ. Đơn cử như Nguyễn Tấn, vào năm 1864, trong một lần đem quân lên vùng núi Làng Nông, ông đã "bắt được vài ngàn con trâu". Còn ruộng đất chiếm đoạt chắc là nhiều lắm, vì sang đầu thế kỷ 20, số đất hương hỏa mà con cháu ông Tấn còn thừa hưởng là 215 mẫu ruộng. Và ngay cả Lê Văn Duyệt, ông cũng đã từng chiếm đoạt hàng trăm mẫu ruộng tốt ở Bình Khương, Trà Khương.

Đó là chưa kể tới giới "ăn theo" là địa chủ. Cũng theo sách trên, thì: Những vùng đất màu mỡ dọc các sông Trà Bồng, Trà Khúc của người kro lần lượt rơi vào tay địa chủ...[10]

Xúc phạm những tập tục lâu đời

Các vua đầu thời Nguyễn còn mắc sai lầm khi cho rằng: Bọn man mọi ngu dại chưa thấm nhuần phong hóa, cần buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống như người miền xuôi.[11]Tất cả đã làm cho người dân Đá Vách nung nấu căm thù, dẫn đến nhiều cuộc giao chiến suốt hơn 50 năm, bất chấp mọi biện pháp khủng bố và âm mưu chia rẽ của triều đình nhà Nguyễn.